Khi làm việc tại Nhật, hàng tháng chúng ta đều phải đóng thuế. Nếu anh/chị đăng ký làm thủ tục điều chỉnh thuế cuối năm có thể sẽ được hoàn một phần thuế đã đóng. Đây là quyền lợi của mỗi cá nhân khi sống, làm việc ở Nhật.
I. Thủ tục hoàn thuế cuối năm là gì?
Tại Nhật Bản, tất cả người lao động bao gồm người nước ngoài khi đạt mức thu nhập quy định sẽ phải đóng một số loại thuế như thuế thu nhập, thuế thị dân. Cụ thể:
• Thuế thu nhập (所得税): thu nhập trên 103 man/năm sẽ phải bắt đầu đóng thuế này.
• Thuế thị dân (住民税): thường thu nhập trên 100 man/năm sẽ phải bắt đầu đóng thuế thị dân. Tuy nhiên, còn tùy thuộc vào quy định của từng đia phương, không có mức quy định bắt buộc.
Hiện nay, nhiều doanh nghiệp thường chọn cách khấu trừ các thuế này ngay khi trả lương cho nhân viên, để nộp cho Sở Thuế.
Sau đó, vào cuối năm, người lao động muốn làm thủ tục điều chỉnh thuế/hoàn thuế, kê khai số người phụ thuộc thuộc (người mà anh/chị đang phụng dưỡng bằng cách gửi tiền về Việt Nam) và khoản các khấu trừ thuế phát sinh khác trong năm đó. Ví dụ: bảo hiểm y tế, bảo hiểm nhân thọ…
Cơ quan thuế sẽ tính toán lại số tiền anh/chị cần nộp thuế so với mức thu nhập thực tế và số người phụ thuộc, khấu trừ gia cảnh.
=> Nếu cao hơn so với số tiền thuế mà công ty đã trừ hàng tháng, anh/chị cần đóng thêm thuế.
=> Trong trường hợp thấp hơn, anh/chị sẽ được hoàn thuế.
Quy trình này chính là thủ tục làm hoàn thuế cuối năm, tiếng Nhật gọi là 年末調整 (ねんまつちょうせい).
II. Được hoàn những loại thuế nào?
• Thuế thu nhập (所得税): Là loại thuế được tính dựa vào tổng thu nhập hàng năm của người lao động. Thường công ty sẽ trích lương hàng tháng để giúp nhân viên đóng thuế này.
• Thuế thị dân (住民税): Còn được gọi là thuế cư trú, sẽ được dùng để phục vụ giáo dục, xử lý rác thải, phúc lợi, phòng chống thiên tai tại các địa phương. Thuế thị dân sẽ được tính dựa trên tổng thu nhập của năm trước đó và đóng vào tháng 5, tháng 6 hằng năm.
III. Sẽ được hoàn bao nhiêu tiền thuế?
Thực tế số tiền được hoàn thuế phụ thuộc vào nhiều yếu tố như:
1/ Thu nhập của anh/chị
2/ Số người phụ thuộc tại Việt Nam
3/ Số tiền gửi về cho người phụ thuộc ở Việt Nam
4/ Quy định về thuế, nhất là thuế thị dân, tại thành phố đang sinh sống.
Ngoài ra, anh/chị cũng có thể được khấu trừ một số khoản khác nếu làm thủ tục đăng ký, gồm:
5/ Khấu trừ vợ/chồng(配偶者控除額・はいぐうしゃこうじょがく): Dành cho người lao động thu nhập dưới 1.000 man/năm và đăng ký vợ chồng phụ thuộc có thu nhập năm dưới 133 man.
Chi tiết cách tính xem trong link tại đây.
Giải thích về bảng tính khấu trừ vợ chồng ở link trên, lấy ví dụ, anh/chị là lao động chính, có thu nhập dưới 900 man, có đăng ký vợ/chồng phụ thuộc, thu nhập của vợ/chồng dưới 48 man/năm, anh/chị sẽ được khấu trừ thuế 38 man. Thu nhập của vợ/chồng càng tăng lên, tương ứng với các mức trong bảng, thì mức khấu trừ thuế của anh/chị càng ít đi. Khi vợ/chồng của anh/chị có thu nhập 133 man/năm, anh/chị sẽ không được khấu trừ.
6/ Khấu trừ người phụ thuộc và người thương tật(扶養控除額及び障害者等の控除・ふようこうじょおよびしょうがいしゃとうのこうじょ): số tiền khấu trừ được tính theo số người phụ thuộc.
Chi tiết cách tính xem link tại đây.
Giải thích về bảng tính khấu trừ người phụ thuộc và người thương tật như sau:
- Người phụ thuộc thông thường: 1 người phụ thuộc được khấu trừ 38 man, 2 người 76 man… Thêm 1 người phụ thuộc, anh/chị sẽ được khấu trừ cộng thêm 38 man/người.
- Người phụ thuộc khuyết tật sống cùng nhà: được khấu trừ 75 man
- Người khuyết tật đặc biệt: được khấu trừ 40 man
- Người khuyết tật nhẹ, sinh viên, góa phụ: được khấu trừ 27 man
- Cha mẹ đơn thân: được khấu trừ 35 man
- Cha mẹ trên 70 tuổi sống cùng nhà: được khấu trừ 58 man
- Người thân phụ thuộc được chỉ định: được khấu trừ 63 man
- Người thân, họ hàng cao tuổi: được khấu trừ 48 man
IV. Làm thủ tục hoàn thuế như thế nào?
4.1. Các loại giấy tờ cần chuẩn bị: có 5 loại
1/ Thẻ ngoại kiều
2/ Bảng tổng kết lương trong năm (源泉徴収票 – げんせんちょうしゅうひょう)
3/ Tờ khai của Cục Thuế: gồm 3 loại
- Tờ khai khấu trừ lương cơ bản kiêm khấu trừ cho vợ/chồng và khấu trừ điều chỉnh thu nhập 給与所得者の基礎控除申告書(兼)給与所得者の配偶者控除等申告書(兼)所得金額調整控除申告書
- Tờ khai khấu trừ người phụ thuộc 給与所得者の扶養控除等(異動)申告書
- Tờ khai khấu trừ các loại phí bảo hiểm 給与所得者の保険料控除申告書
4/ Giấy chứng minh quan hệ với người phụ thuộc
5/ Hóa đơn chứng nhận chuyển tiền cho người phụ thuộc trong thời gian làm hoàn thuế
Lưu ý:
Kể từ năm 2023 đến nay, quy định mới về đối tượng người phụ thuộc được miễn giảm/hoàn thuế như sau:
• Người dưới 16 tuổi: không được tính là người phụ thuộc
• Người từ 16-29 tuổi: được đăng ký là người phụ thuộc và không quy định mức tiền gửi tối thiểu.
• Người từ 30-69 tuổi: CHỈ được phép đăng ký là người phụ thuộc NẾU thỏa mãn 1 trong 3 điều kiện:
– Anh/chị gửi cho MỖI NGƯỜI trên 38 man/năm và có hóa đơn chuyển tiền được chấp nhận bởi pháp luật (gửi qua DCOM sẽ nhận được hóa đơn này).
– Người đó đang là du học sinh tại một nước khác (ngoài Nhật Bản).
– Người đó là người tàn tật.
• Từ 70 tuổi trở lên: được đăng ký là người phụ thuộc (không quy định mức tiền gửi tối thiểu).
4.2. Lưu ý về các loại giấy tờ
- Thẻ ngoại kiều và Bảng tổng kết lương trong năm (源泉徴収票 – げんせんちょうしゅうひょう): Trường hợp được công ty khai báo thuế, công ty đã giữ thông tin cá nhân và phát hành bảng lương tổng cho nhân viên, nên anh/chị không cần nộp lại 2 loại giấy tờ này cho công ty. Còn trường hợp tự đi khai báo thuế, anh/chị cần liên hệ với công ty đã làm việc trong những năm cần xin hoàn thuế để nhận được Bảng tổng kết lương. Cách đọc bảng tổng kết lương như dưới đây.
Trong đó:
(1) 支払金額: Tổng thu nhập trong năm
(2) 給与所得控除後の金額: Số tiền còn lại sau khi bớt đi phần giảm trừ chi phí để nhận lương
(3) 所得控除の額の合計額: Tổng số tiền giảm trừ khác như tiền đóng bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm động đất… nếu bạn có tham gia.
(4) 源泉徴収税額: Tổng số tiền thuế đã nộp
- Giấy chứng minh quan hệ với người phụ thuộc: Giấy tờ này phải thể hiện được mối quan hệ của anh/chị và người được phụng dưỡng, như sổ hộ khẩu, giấy khai sinh…
Anh/chị phải nộp:
(a) Bản sao có công chứng (file PDF và in màu ra vẫn có thể sử dụng được)
(b) Bản dịch sang tiếng Nhật/Anh (không cần công chứng).
Số tiền thuế anh/chị được giảm phụ thuộc vào số người anh/chị đăng ký phụ thuộc. Không có quy định số người phụ thuộc đăng ký tối thiểu hay tối đa. Dù chỉ có 1 người phụ thuộc anh/chị vẫn được giảm thuế.
Bên cạnh đó, người phụ thuộc phải nằm trong vòng quan hệ huyết thống 6 đời, có thể cư trú khác hộ khẩu, nhưng bắt buộc phải nộp kèm giấy tờ chứng minh mối quan hệ.
- Hóa đơn chứng nhận chuyển tiền cho người phụ thuộc trong thời gian làm hoàn thuế
Hiện nay Cục Thuế chỉ chấp nhận hóa đơn chuyển tiền được cấp bởi các công ty có pháp nhân hợp pháp như DCOM.
DCOM Vietnam – Chuyển tiền nhanh cung cấp hai loại hóa đơn:
1/ Hóa đơn tổng tất cả các giao dịch đã gửi trong 2 năm gần nhất
2/ Hóa đơn cho cá nhân từng người nhận
Cả hai loại hóa đơn đều có thể dùng để làm hoàn thuế. Anh/chị lưu ý, tùy thuộc vào một số nghiệp đoàn/công ty sẽ quy định sẵn việc nhận hóa đơn nào để tiến hành thủ tục. Vì vậy, anh/chị nên mang mẫu hóa đơn trên để công ty tham khảo trước và chọn nhận loại hóa đơn phù hợp.
Sau khi anh/chị chuẩn bị đầy đủ các giấy tờ ở trên, công ty sẽ hướng dẫn anh/chị điền và hỗ trợ thực hiện quá trình điều chỉnh thuế cuối năm.
V. Khi nào sẽ được nhận tiền hoàn thuế?
Thông thường sau khi hoàn thành tất cả các thủ tục trên, khoảng tầm 1-2 tháng sau anh/chị sẽ nhận lại tiền thuế được hoàn.
Hoàn thuế thật sự không phải là một vấn đề đơn giản, nên sẽ không thể giải thích tất cả thắc mắc của mọi người chỉ trong một bài viết. Nếu có câu hỏi xoay quanh chủ đề điều chỉnh thuế/hoàn thuế cuối năm tại Nhật, anh/chị vui lòng đặt câu hỏi tại đây, DCOM sẽ cố gắng hỗ trợ trả lời tất cả các câu hỏi của mọi người trong phạm vi có thể. Chúc anh/chị làm thủ tục hoàn thuế cuối năm nhiều thuận lợi!